Niêm mạc tử cung có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thụ thai và bảo vệ thai. Do dó, độ dày mỏng của chúng đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ.
Niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) chính là lớp mô tế bào mềm phủ toàn bộ mặt trong của tử cung, có mối quan hệ mật thiết đến khả năng sinh sản của bạn. Theo chu kỳ mỗi tháng, lớp niêm mạc sẽ trở nên dày hơn bởi tác động của hormone sinh dục. Đây là sự chuẩn bị của tử cung cho quá trình làm tổ có thể diễn ra sau khi trứng được thụ tinh.
Nếu quá trình trên không xảy ra, lớp nội mạc sẽ tự động bong và đẩy ra bên ngoài, gây chảy máu thông qua đường âm đạo. Đây chính là hiện tượng hành kinh mỗi tháng ở nữ giới. Sau đó, các tế bào mô đệm và mô trụ tuyến tại lớp đáy tiếp tục phát triển để hình thành lớp niêm mạc mới tại tử cung.
Trong trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ, lớp niêm mạc tại tử cung sẽ tiếp tục dày lên, đồng thời thay đổi cấu trúc để phù hợp với quá trình hình thành phôi và nhau thai.
Niêm mạc sẽ gồm có 2 phần là:
-
Lớp nội mạc căn bản hay lớp đáy được cấu tạo từ các tế bào mô đệm và tế bào mô trụ tuyến. Lớp đáy thường không bị ảnh hưởng khi kỳ kinh nguyệt diễn ra.
-
Lớp nội mạc tuyến hay lớp nông thường chịu các biến đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Khi lớp niêm mạc quá mỏng
Nội mạc tử cung mỏng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu máu, dính lòng tử cung, thiếu nồng độ hormone sinh dục, nội mạc tử cung bị tổn thương do nạo hút thai nhiều lần hoặc tác nhân nào đó,…
Lớp niêm mạc tại tử cung quá mỏng thường gây ra những vấn đề bất thường về kinh nguyệt như chu kỳ quá dài, lượng nguyệt san ít,… Trong trường hợp lớp niêm mạc mỏng hơn 8mm, trứng sau khi được thụ tinh rất khó để bám vào thành và làm tổ tại tử cung. Ngay cả khi quá trình làm tổ được diễn ra, thì phôi thai cũng dễ dàng bị bong ra dù không chịu ảnh hưởng từ bất cứ tác nhân nào. Điều này khiến nữ giới bị sảy thai, thai chết lưu, thường xảy ra trong những tháng mang thai đầu tiên.
Khi lớp niêm mạc quá dày
Sự tăng sinh quá mức của lớp nội mạc tử cung do hàm lượng hormone sinh dục dư thừa sẽ dẫn tới tình trạng bề mặt lớp niêm mạc quá dày, có thể lên đến hơn 20mm. Đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở quá trình mang thai ở nữ giới do sự mất cân bằng nội tiết tố.
Niêm mạc tử cung quá dày khiến nữ giới gặp phải các vấn đề như rong kinh, vô kinh thứ phát kéo dài nhiều tháng, thời gian rụng trứng không ổn định,… Ngoài ra, việc lớp niêm mạc dày bất thường cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như: đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn,… khiến người bệnh chậm hoặc rất khó có con.
Mong rằng bài viết trên sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và giải đáp được phần nào những thắc mắc, nghi vấn của bạn về độ dày mỏng của lớp niêm mạc tử cung. Để chắc chắn hơn, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để có cách xử lý an toàn, đảm bảo về mặt sức khỏe cho bản thân nhé!